Nên Dùng Bột Giặt, Nước Giặt hay Xà Bông Giặt Đồ

Chuyện giặt giũ trong xã hội hiện đại gắn chặt với bột giặt, nước giặt như một điều hiển nhiên. Ít ai biết rằng từ xa xưa, hàng nghìn năm trước công nguyên, xà bông giặt đồ mới là phát minh đầu tiên trong lịch sử các chất tẩy rửa của con người.

Cùng một công dụng làm sạch quần áo, bột giặt, nước giặt có gì khác biệt với xà bông giặt đồ?

Bản chất của bột giặt, nước giặt và xà bông giặt đồ

Xà bông giặt đồ tự nhiên từ xa xưa

Xà bông hay xà phòng là một chất vệ sinh tự nhiên, diệt vi khuẩn. Xà bông có thành phần chính là muối natri hoặc kali của axit béo. Để tạo ra xà bông, người ta cho chất béo tác dụng với kiềm tạo nên phản ứng xà phòng hoá.

Xà bông rửa trôi vết bẩn theo cơ chế đẩy từ các mixen khối cầu. Các phân tử xà bông có hai đầu, một đầu là hiđrocacbon kị nước, còn một đầu là ion kim loại ưa nước. Khi tiếp xúc với các vết bẩn, vết dầu mỡ bám, đuôi kị nước sẽ quay vào trong vết bẩn, đầu ưa nước hướng ra ngoài tạo thành một khối cầu tách vết bẩn ra khỏi bề mặt.

Theo dấu tích của các nhà khảo cổ học, Người Babylon cổ đại đã biết làm xà phòng từ năm 2800 trước Công nguyên. Họ đã tìm thấy dấu tích của các vật liệu giống xà bông trong các ống đất sét với dòng chữ “mỡ đun sôi với tro” (chất béo kết hợp với kiềm theo nguyên lý cấu thành xà bông).

Công thức xà bông đơn giản từ mỡ động vật và tro được sử dụng và lưu truyền rộng rãi không chỉ ở châu Âu mà còn châu Á. Ở Trung Quốc, các bộ tộc du mục sống phần lớn theo mô hình tự cung tự cấp vẫn duy trì công thức đó cho đến gần đây.

Xà bông giặt đồ là một bước ngoặt lớn trong công cuộc giặt giũ của loài người. Ở Châu Âu thế kỷ 6, làm xà bông đã trở thành một nghề. Đến thế kỷ 7 đã trở thành một môn nghệ thuật Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Bột giặt, nước giặt ra đời trong xã hội hiện đại

Năm 1908, chiếc máy giặt điện đầu tiên ra đời. Cùng sự tăng lên của nhu cầu giặt giũ, sử dụng chất lỏng làm sạch, bột giặt, nước giặt ra đời và trở nên phổ biển vào khoảng năm 1960. Chúng được quảng cáo rầm rộ với sự tiện lợi, tiết kiệm khi sử dụng cùng máy giặt.

Từ xà bông hai thành phần đơn giản, bột giặt được thêm thắt vô vàn các hợp chất hoá học. Trong cuốn Bách khoa toàn thư về Hoá học công nghiệp của Ullmann (Ullmann’s Encyclopedia of Industrial Chemistry), bột giặt có thể chứa:

  • Chất tạo màng (xấp xỉ 50% trọng lượng)
  • Chất hoạt động bề mặt (15%)
  • Chất tẩy trắng (7%)
  • Enzyme (2%)
  • Chất chống lắng đọng đất
  • Chất điều chỉnh bọt
  • Chất ức chế ăn mòn
  • Chất tăng trắng quang học
  • Chất ức chế chuyển thuốc nhuộm
  • Hương liệu
  • Thuốc nhuộm
  • Các chất độn và chất hỗ tạo đặc

Nhờ vào hàng chục chất hoá học này, bột giặt tự tin được quảng cáo sạch bong, trắng sáng, lưu hương bền lâu.

Nước giặt về cơ bản có thành phần không khác biệt với bột giặt. Nước giặt ra đời tối ưu cho việc sử dụng máy giặt với khả năng lưu hương nổi bật hơn.

xà bông giặt đồ

Rất nhanh sau khi ra đời, bột giặt, nước giặt đã chiếm lĩnh thị trường bởi đa dạng các chức năng bổ trợ, độ tiện lợi, dễ bảo quản. Thời điểm này, thế giới cũng bước vào giai đoạn chuyển giao từ Kỷ nguyên bán hàng (The Sales era) sang kỷ nguyên Marketing (The Marketing era). Ngành sản xuất bột giặt phát triển, quảng cáo lên ngôi, khiến xã hội hiện đại quên mất rằng xà bông giặt đồ từng tồn tại hàng nghìn năm trước.

3 lưu ý khi chọn bột giặt, nước giặt hay xà bông giặt đồ

Để quyết định lựa chọn bột giặt/nước giặt hay xà bông giặt đồ, phải cân nhắc đến các yếu tố vệ sinh, sức khoẻ tổng thể (làn da, khứu giác,…) và môi trường chung.

Độ cứng – mềm của nước

Nước cứng là nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, được hình thành trong quá trình đi qua các lớp trầm tích, đá vôi, hoà tan các ion Ca2+, Mg2+…. Các nguồn nước cứng dễ nhận biết nhất có thể kể đến nước giếng khoan, nước từ ao hồ sông suối. Nước được xử lý tại các nhà máy nước có thể làm mất tạp chất này. Tuy nhiên với công nghệ xử lý và độ phát triển khác nhau, các nhà máy nước tại Việt Nam chưa cam kết nước đã xử lý hoàn toàn là nước mềm.

Quan sát các đồ vật tiếp xúc nước trong nhà cũng có thể dễ dàng nhận biết được nguồn nước cứng:

  • Vòi nước có vảy ố
  • Đường ống dễ bị tắc
  • Trà hay cafe có lớp váng mỏng xuất hiện
  • Da và tóc khô
  • Quần áo sau thô ráp, xỉn màu sau khi giặt
  • Xà bông ra ít bọt
  • Chén đĩa, xoong nồi kim loại có cặn phấn trắng

Xà bông giặt đồ khi gặp nước cứng sẽ tạo các kết tủa với các ion calcimagiê bết lên mặt vải, làm vải chóng mục. Ngược lại bột giặt/nước giặt đã được tối ưu bằng các hợp chất hoá học khác như Alkylbenzene sulfonates, phosphates để hoạt động tốt hơn trong nước cứng.

Chức năng được cải tiến, hoá chất thêm vào, bột giặt/nước giặt liệu có thật sự tốt hơn?

Mùi và không mùi – VOCs khuếch tán gây hại

Từ hai thành phần chính (chất béo và kiềm) tối giản, xà bông giặt đồ không lưu hương. Cục xà bông có thể thơm mùi dầu thực vật, khi phơi khô quần áo quay về nguyên bản mùi nắng, mùi vải.

Bột giặt/nước giặt có thành phần hương liệu với khả năng lưu hương lâu trên quần áo. Một nghiên cứu học thuật năm 2013 về các sản phẩm giặt là có mùi thơm đã phát hiện ra “hơn 25 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phát ra từ lỗ thông hơi máy sấy, với nồng độ acetaldehyde, acetone và ethanol cao nhất. Bảy trong số các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi này được phân loại là chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm (HAP) và hai hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (acetaldehyde và benzen)”.

xà bông giặt đồ

Theo NCBI, hít phải VOC lâu ngày sẽ tích luỹ các hợp chất độc hại gây ra những ảnh hưởng xấu khác nhau đến sức khoẻ như đau đầu, chóng mặt và kích ứng mắt mũi, họng, niêm mạc, thực quản. VOC cũng là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi.

Đọc thêm về tác hại của mùi hương trong nước giặt.

Nước thải sinh hoạt, số phận của sinh vật biển

Phốt phát (phosphates – giúp loại bỏ ion canxi và magiê trong nước cứng) trong bột giặt/nước giặt gây ra hiện tượng phú dưỡng, gây nên cái chết của tảo, thực vật, cá, động vật thân mềm và giáp xác. Lo ngại về vấn đề môi trường do phốt phát gây ra, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những hạn luật bổ sung phosphates trong chất tẩy rửa.

Trong khi đó, xà bông giặt đồ có nguồn nước thải dễ phân hủy sinh học, thân thiện với nguồn đất & nước, hệ vi sinh vật, hệ thuỷ sinh trong đất và ao hồ, sông suối… Từ thời xa xưa cổ đại, con người đã dùng xà bông giặt đồ dọc các bờ sông suối mà không gây ảnh hưởng đến các sinh vật thuỷ sinh.

Bột giặt/nước giặt được cải tiến để tiện lợi với nhiều công dụng hào nhoáng trước mắt.

Xà bông giặt đồ tự nhiên từ xa xưa tối giản, basic, an toàn tập trung vào cơ chế cuốn trôi vết bẩn.

Lựa chọn bột giặt/nước giặt hay xà bông giặt đồ quyết định đến không chỉ tính vệ sinh mà còn ảnh hưởng lâu dài sức khoẻ toàn gia đình và môi trường.

Bạn hoàn toàn có thể tự pha nước giặt sinh học tại nhà từ xà bông tự nhiên và sử dụng tiện lợi, không bao bì, tiết kiệm tiền.

Một khi bạn đã có hiểu biết về bản chất làm sạch, hãy chọn xà bông tự nhiên cho toàn bộ nhu cầu vệ sinh gia đình, tiết kiệm và an toàn cho bạn, bền vững cho hành tinh.

Bài viết liên quan: 

Lợi Ích To Lớn của Xà Bông Rửa Chén Thay Thế Nước Rửa Chén Công Nghiệp

Xà Bông Dầu Việt Nam

Xà Bông Cạo Râu – Vẹn Nguyên Mùi Anh Ấy

5 Phút DIY – Tự Làm Nước Giặt Sinh Học Tại Nhà

Tác Hại Mùi Hương Trong Nước Giặt Cho Trẻ Sơ Sinh, Trẻ Nhỏ

Bóc Trần Nước Giặt, Dầu Gội, Sữa Tắm Nước Hoa – 3 Sự Thật Ít Biết

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tìm Kiếm
Sản Phẩm
HDSD
Chat Icon
Chat Icon