Vừa qua, Noom đã chia sẻ tại tạp chí ELLE về chủ đề Tiêu dùng xanh là con đường Back to Basic. Các câu hỏi hay, xoáy sâu vấn đề là cơ hội noom bày tỏ những góc nhìn mới, cá nhân hơn và ít chia sẻ công khai. Thương mời chị em với 5 phút đọc để dạo qua 13 năm cùng noom nhé!
Quyết định nghỉ việc ở một tập đoàn lớn năm 28 tuổi vì cảm thấy “sai sai” và bế tắc về mặt cảm xúc, Hồng Thu từng loay hoay một thời gian và làm qua nhiều việc khác nhau. Sau đó, chị trở về quê sinh sống và thành lập thương hiệu Noom Food dựa trên nền tảng phát triển văn hóa bản địa và tôn trọng sinh thái tự nhiên. Qua 13 năm phát triển, Noom đã xây dựng được chuỗi cung ứng bền vững, chia sẻ lẫn nhau và cùng tự do nương tựa vào rừng.
- “Bắt đầu hành trình với mong muốn phát triển sản phẩm địa phương, từ khi nào, nông nghiệp bền vững theo hướng thuận tự nhiên trở thành yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh của Noom?”
– Tôi học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ nên gần như phải nghe tin quốc tế mỗi ngày để rèn luyện tiếng Anh. Nghe mãi tin tức thế giới, tôi cũng bắt đầu “ngấm” về môi trường. Lúc đó là khoảng những năm 2000-2004. Rồi khi làm Noom, tôi mới trực tiếp đối diện với các vấn đề thực tế về môi trường. Để tìm giải pháp, tôi luôn đối chiếu với ký ức tuổi thơ sống trên núi với ông bà.
– Suốt 13 năm làm Noom, từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ, tôi luôn tìm mọi cách để sự nghiệp này được “bền vững” chứ không phải để “phát triển”. Sản xuất nông nghiệp bắt buộc thuận tự nhiên vì bản chất nông nghiệp phụ thuộc 80% vào thời tiết, đất đai. Mình phải ứng dụng uyển chuyển, nương tựa vào các đặc tính độc đáo của vùng đất mà mình đang sống và canh tác thì mới thuận lợi, mới có thu hoạch. Không một ai hay tổ chức nào trong vũ trụ này có thể thay đổi được thiên nhiên, mình chỉ có thể nương tựa vào tự nhiên mà thôi.
- “Khi nói về nông nghiệp bền vững và thực phẩm xanh, người ta dễ nghĩ đến nông nghiệp “hữu cơ” với vô số cách thức và tiêu chuẩn khác nhau. Tại sao chị chọn phát triển vùng nguyên liệu và nguồn nông phẩm theo con đường phát triển vườn rừng dẫu biết sẽ có nhiều thách thức?”
– Canh tác hữu cơ là nông nghiệp tự nhiên. Canh tác vườn rừng cũng là phương pháp canh tác bền vững trong nông nghiệp tự nhiên. Noom may mắn được một tổ chức quốc tế hỗ trợ rất nhiều trong việc thiết lập tiêu chuẩn hàng hóa, quy trình kiểm soát, truy xuất nguyên liệu, sản phẩm đến tận cùng, đến từng nhân sự đã gieo hạt giống xuống ruộng đất.
– Khi chọn canh tác vườn rừng, tôi muốn tự đứng trên đôi chân của mình, tự hiểu, tự xoay sở, tự tin vào bản thân khi sống cùng với hệ sinh thái bản địa. Khi đó, khách hàng tự họ sẽ đặt niềm tin vào Noom, đặt niềm tin vào tự nhiên, vào những người nông dân. Khi đủ vững vàng từ bên trong, Noom mới mở cửa, giao lưu và đón nhận những giá trị bên ngoài.
- Vườn rừng vốn không phải là hình thức canh tác xa lạ với thế hệ ông bà ta, nhưng thực tế lại không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi nền nông nghiệp cơ giới hóa gần như đã làm đảo lộn môi sinh ở các khu vực trồng trọt. Điều gì khiến chị tin tưởng vào tính khả thi của mô hình này và kiên trì xây dựng nó?
– Canh tác vườn rừng không phải là mang khu rừng từ trên núi xuống, áp vào đất vườn ở đồng bằng, càng không phải tạo dựng khu rừng nguyên sinh ngay tại đồng bằng. Với cách canh tác ngay tại rừng, Noom đang làm việc với các bạn Cơ Tu và gọi là “sinh kế bền vững dưới tán rừng”, cũng không phải là nền nông nghiệp “bỏ mặc” và cứng nhắc rằng tất cả phải làm bằng tay. Các nông trại của Noom đều có sử dụng máy móc cơ giới.
– Canh tác vườn rừng nghĩa là dựa vào hệ sinh thái ngay tại vùng trồng địa phương, hướng gió, hướng mưa bão, hướng chiếu sáng của mặt trời, dòng nước chảy, đặc điểm, tính chất của đất nạc, phèn, cát, bùn, sụt lún, độ cao, độ thấp… để lựa chọn cây trồng và bố trí các phân khu. Cây trồng trong mô hình vườn rừng đều đa mục đích, dựa vào tầng tán, mức che chở cho nhau khi mưa bão, nắng gió, dùng để tấp tủ, làm thức ăn cho vật nuôi, bố trí theo nhiệt độ, lượng mưa nhất định, thậm chí nhà ở cho nông dân cũng dựa vào độ cao, độ an toàn và vị trí phù hợp.
– Canh tác vườn rừng cần tính toán sao cho cả 3 đối tượng gồm cây cối, vật nuôi và con người đều có khả năng tự sống sót cao nhất trước biến đổi của khí hậu, phù hợp với tập quán canh tác cùng tri thức bản địa, đặc biệt là phù hợp với nguồn lực mà chính mình đang có, bao gồm nguồn nhân sự, nguồn tài nguyên, nguồn lực chính quyền địa phương và nền tảng xã hội.
– Tôi đã không nghĩ nhiều về tính khả thi của mô hình vườn rừng, tôi làm vì bản thân mình, vì những ký ức thời sống với ông ngoại trong mảnh vườn với trăm món ngon quanh năm suốt tháng và cô bé gái tên Thu luôn được no bụng, được vui chơi, được hạnh phúc. Tôi mong con gái yêu của mình có một tuổi thơ như mình đã từng có, thế nên tôi quyết định theo đuổi mô hình canh tác vườn rừng, canh tác tự nhiên này.
- Chị có thể chia sẻ sâu hơn về mô hình và triết lý kinh doanh của Noom? Mô hình và triết lý này đã góp phần giải quyết các vấn đề về con người, xã hội và môi trường ở quê nhà chị như thế nào?
– Tôi nhìn thấy đoạn đứt gãy niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm cách đây 13 năm và tới nay, đó vẫn là vấn đề của nông nghiệp. Nông dân (farm/factory) trách người tiêu dùng (foodie) nhiều đòi hỏi. Ngược lại, người tiêu dùng trách nông dân đánh mất lương tâm, làm điều xằng bậy. Không ai có lỗi cả. Chúng ta đã mất kết nối với nhau, với tự nhiên, không hiểu nhau ngay tại khâu mua – bán thực phẩm.
– Noom xác định không vội vã bởi khi chúng ta nhìn thấy vấn đề, rõ nguyên nhân thì giải pháp cũng đã sẵn sàng ở đó. Việc Noom cần làm hiện nay hay cách đây 13 năm cũng chỉ có vậy. Xây dựng chuỗi cung ứng bị đứt gãy về niềm tin giữa 4 thành tố: Forest – Farm – Factory – Foodie – Forest. Để có niềm tin về nhau, cần thời gian, cần nội lực từ bên trong của mỗi cá nhân, các thành tố tham gia trong chuỗi cung ứng.
– Mỗi người nông dân tự ý thức được giá trị của canh tác tự nhiên. Mỗi người tiêu dùng cũng nhận ra thực phẩm tự nhiên trông như thế nào, hương vị ra sao. Khi mỗi thành tố có trải nghiệm, hiểu biết và niềm tin, tôi tin rằng các vấn đề cuộc sống, xã hội hay môi trường không chỉ ở nông thôn mà cả ở thành thị đều được mỗi cá nhân tự giải quyết tốt đẹp.
- Một vấn đề khác khiến các sản phẩm “xanh” thường khó tiếp cận với số đông là có giá thành khá cao. Ngay cả những người có ý thức về môi trường và sức khỏe đôi khi cũng khó duy trì một lối sống xanh mọi lúc, nhất là trước tình hình kinh tế suy thoái sau đại dịch. Liệu có cách nào để “xanh” không phải là một lối sống “xa xỉ” mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được?
– Tôi không nghĩ rằng “xanh” là một lối sống xa xỉ. Chính xác mà nói, đó là lối sống tối giản. Một cuộc sống với lối tiêu dùng “back to basic” thực sự là lựa chọn đúng đắn và phù hợp với những ai đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, vật giá leo thang.
– Ví dụ, một cục xà bông tự nhiên dành cho cả nhà, cả em bé và ba mẹ tắm toàn thân, gội đầu, rửa mặt, rửa tay, rửa chén thì tất nhiên luôn rẻ hơn mỗi thành viên một lọ riêng, nhiều loại khác nhau cho từng nhu cầu sinh hoạt. Hay một chai dầu ép lạnh, vừa để ăn rất ngon, giàu năng lượng, dưỡng tóc, tẩy trang, rửa mặt, dưỡng da mặt, dưỡng toàn thân, sẽ siêu rẻ.
– Để sử dụng các sản phẩm tự nhiên, bạn cần bỏ thời gian nghiên cứu chính mình, trải nghiệm, quan sát chính mình. Há chẳng phải là dành thời gian để chăm sóc, hiểu và yêu thương chính mình? Bạn thấy đó, giá thành sản phẩm chỉ là bề nổi của tảng băng.
- Hiện nay, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng được ưa chuộng. Chị đánh giá như thế nào về lợi thế của nguồn nguyên liệu, nhân lực sẵn có tại các địa phương và khả năng phát triển nhóm ngành tiêu dùng trong nước theo hướng bền vững hơn?
– Thực sự, đất nước chúng ta đang có lợi thế lớn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Việt Nam đang có tất cả: nguồn nguyên liệu, nhân lực, thị trường (dân số trẻ) để xây dựng và duy trì một nền kinh tế bền vững. Một bài toán vĩ mô luôn được bắt đầu từ những cá nhân bé nhỏ là người nông dân, người mẹ, người phụ nữ trong gia đình. Tôi thực sự thấy khả quan và đã đến lúc ngành tiêu dùng xanh của Việt Nam chúng ta trở nên khác biệt, vững bền.
- Với cái nhìn tổng quan, chị nhận thấy vấn đề còn tồn tại lớn nhất của thị trường hiện nay là gì? Chị chia sẻ thêm những dự định ấp ủ cho Noom trong tương lai nhé.
– Tôi nghĩ rằng định hướng truyền thông là vấn đề của thị trường và cần có định hướng truyền thông mang tầm quốc gia. Ở góc độ doanh nghiệp, tôi vẫn ổn sau 13 năm hoạt động và Noom đã từng bước vững vàng hơn. Giai đoạn sắp tới, tôi muốn tập trung thời gian, nhân lực cho những phụ nữ có dự định làm mẹ và đang làm mẹ. Tôi hy vọng Noom sẽ cung cấp cho chị em một hướng đi tự do, bền vững trong hành trình lựa chọn mang thai, sinh con, chăm sóc sức khỏe cho con, tăng đề kháng tự nhiên, nuôi dưỡng sợi dây kết nối giữa mẹ và con. Đồng thời, điều này giúp nuôi dưỡng một gia đình hạt nhân bền vững, là nhân tố chất lượng cho một xã hội bền vững.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam. Chúc chị luôn kiên định và đưa Noom ngày càng phát triển hơn nữa.
Bài gốc kèm hình ảnh chi tiết trong tạp chí tháng 4 từ Elle: https://www.elle.vn/elle-voice/hong-thu-tieu-dung-xanh-back-to-basic
Chi tiết “về noom” dành cho những tò mò về chuỗi cung ứng, sản xuất, canh tác bền vững: https://noomfood.com/ve-noom/
Bài viết liên quan
Xây Dựng Thói Quen Dùng Thực Phẩm Tối Giản Thông Minh Cho Mọi Gia Đình
Tiêu Dùng Bền Vững & Cuộc Chiến Xa Gần
Cuộc Sống Tự Nhiên – Nâng Cao Trí Nhớ, Suy Nghĩ Logic và Hạnh Phúc