Thiết Kế Quy Hoạch Nông Nghiệp Vườn Rừng Bền Vững

Trong nông nghiệp vườn rừng, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tự nhiên, nông nghiệp truyền thống VAC việc thiết kế vườn thành những khu vực riêng biệt (zone) có tính quyết định thành bại rất lớn. Quá trình này giúp tận dụng, tiết kiệm nhân lực, tài lực và tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Theo đó, việc chăm sóc khu vườn suốt quãng thời gian dài tính bằng năm trở nên thuận tiện, dễ dàng, gọn gàng và tiết giảm tiền bạc, nhân công tối đa.

Tìm hiểu chi tiết: Khái Niệm Tổng Quát Về Canh Tác Nông Nghiệp Bền Vững – Vườn Rừng

Đúng sai chỉ mang tính lịch sử. Tức lúc khởi động, bạn nghĩ đúng nhưng lúc vào vận hành, những cái sai bắt đầu xuất hiện, có thể sửa được với ít hoặc nhiều công sức, tiền bạc hoặc phải bỏ và làm lại.

Bài viết này chia sẻ một góc nhìn không mới nhưng được ứng dụng cụ thể về cách phân chia khu vực trong nông nghiệp vườn rừng bền vững (hay còn gọi là Permaculture). Từ owner một farm vườn rừng của Noom với diện tích 3.5ha tại Điện Bàn, Quảng Nam, hoạt động từ năm 2019, mong những kinh nghiệm xương máu này sẽ giúp bạn tăng khả năng thành công và hạn chế rủi ro khi bắt đầu dấn thân vào phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, dù áp dụng trên một farm lớn hoặc đơn giản là một khu vườn nhà đáp ứng nhu cầu gia đình.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong thiết kế nông nghiệp vườn rừng bền vững

Tần suất hoạt động

Chắc chắn rồi, khu vực nào sử dụng thường xuyên nhất, càng được ưu tiên. Khu vực cần phải theo dõi, quan sát thường xuyên thì càng nên đặt gần nhà ở. Trong khi những thứ ít cần sự quan tâm, ít thu hoạch hơn sẽ được đặt ở vị trí xa hơn.

Ví dụ, vườn rau phải đặt ở gần bếp thay vì ở giữa khu vườn rừng. Hoặc như bạn cần xây dựng khu vườn ươm thì đặt ở đâu sẽ hợp lý? Hạt giống và cây con cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, phải theo dõi, tưới nước, chăm sóc hằng ngày thậm chí là hằng giờ. Sẽ không hợp lý nếu đặt vườn ươm ở một nơi xa khu nhà ở, phải tốn công đi bộ hoặc nằm khuất ở sau bụi cây nào đó, bạn sẽ rất dễ dàng quên việc ra thăm nó. Tốt nhất là đặt nhà ươm ở sát nhà ở sinh hoạt. Sáng sớm thức dậy, bạn sẽ đi ra vườn ươm một cách tự động.

Ông bà mình ngày xưa dù không biết đến khái niệm nông nghiệp bền vững nhưng sở hữu tư duy rất gần gũi với nguyên tắc thiết kế permaculture.

Mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) trong thiết kế nông nghiệp bền vững
Mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) trong thiết kế nông nghiệp bền vững
  • Chuồng gà, chuồng heo luôn được đặt gần nhà để tiện cho ăn, chăm sóc, theo dõi bệnh, thu hoạch trứng. Những lúc heo nái đẻ con sẽ rất tiện đỡ đẻ cho heo. Tất nhiên, khu chăn nuôi sẽ tránh hướng gió để mùi không ảnh hưởng đến không khí sinh hoạt chung.
  • Nhà kho thì để sát ngay nhà bếp, tất cả nông cụ, cuốc xẻng, dao rựa, củi, trấu đều để vào đó cho tiện quản lý vì mình cần sử dụng chúng hằng ngày.
  • Xa khu nhà ở hơn là những khu vực để trồng cây mà chỉ cần thỉnh thoảng coi ngó, thu hoạch một lần như rẫy trồng thơm, trồng lúa, khoai, sắn chẳng bao giờ nên ở gần nhà cả.

Trong cuốn sách thói quen nguyên tử (Atomic habits) của James Clear, tác giả cũng đề cập rằng việc thiết kế môi trường sống có thể xây dựng những thói quen tốt. Nếu bạn muốn đưa thêm nhiều trái cây tươi vào chế độ ăn của mình thì nên rửa sạch trái cây và xếp lên dĩa ngay trên bàn làm việc hoặc đặt nó ở trung tâm phòng bếp. Nếu bạn chỉ mua trái cây về và đặt nó vào tủ lạnh thì có nguy cơ bị thôi rữa, hư hỏng rất cao.

Trong không gian nhỏ chỉ tính bằng số bước chân, việc bố trí, thiết kế môi trường nó có sự tác động mạnh mẽ đến vậy, huống gì là một không gian lớn như một khu vườn hay thậm chí là một khu trang trại. Tuỳ vào điều kiện, địa hình, khí hậu, môi trường ở những khu vườn khác nhau mà có có những kiểu bố trí hạ tầng khác nhau. Chung quy lại, nông nghiệp bền vững vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc thiết kế để đảm bảo sự thuận tiện, tiết kiệm và tận dụng tối đa nguồn lực.

Thiết kế nông nghiệp vườn rừng bền vững là thiết kế dành cho phụ nữ

Gen Z hay nói “nóc nhà quyền lực”. Từ cổ chí kim, phụ nữ chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho gia đình, góp phần giáo dục nhân cách trẻ em, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Phụ nữ là người được phân công những việc trông có vẻ nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sức dai, tranh thủ thời gian, sự tỉ mỉ, chi tiết, đều đặn như nấu ăn, gieo hạt, đỡ đẻ, cho heo ăn, thu hoạch, thu chi, làm nhiều việc nhỏ cùng 1 lần…

Quy hoạch mô hình nông nghiệp vườn rừng bền vững tại farm noom
Quy hoạch mô hình nông nghiệp vườn rừng bền vững tại farm noom

Tính nuôi dưỡng ở người phụ nữ cực kỳ lớn. Chính vì vậy, các hoạt động trong farm phải ưu tiên nữ giới nếu bạn không muốn thất thu. Làm nông nghiệp bền vững là “năng nhặt chặt bị”. Phụ nữ thường sẽ chắt chiu mọi thứ trên farm và biến chúng thành những bữa tiệc, thành sản phẩm, thành tiền.

Phụ nữ ở farm cần sự an toàn để yên ấm chăm sóc farm, nuôi con, dạy con, chăm sóc gia đình. Những nơi phụ nữ lui tới cần thoáng, sáng, thuận tiện đi lại và ít rủi ro như rắn rết, trơn trượt, bụi rậm… Bất kỳ điều gì khiến phụ nữ cảm thấy bất an đều phải tìm cách xử lý trước, tạo điều kiện để họ thoải mái đi lại, hoạt động trong farm. Hãy ưu tiên phụ nữ, lady first!

Phụ nữ là người giỏi tính toán, cân đo đong đếm tiền bạc, thu hoạch, quản lý túi tiền. Phụ nữ ra vườn hái rau nấu canh cho nhà, tiện thể rau già cho heo, thức ăn thừa cho gà, vịt. Vừa để mắt đến con nhỏ, vừa nấu cơm, vừa canh nồi cám heo,… đứng một chỗ dễ dàng quan sát và xử lý.

Chỉ khi người phụ nữ hài lòng, năng lượng tích cực trong farm sẽ được nhân lên gấp bội, hiệu quả chăm sóc, nuôi dưỡng gia đình và farm được cải thiện và lan tỏa tối đa. Hãy ưu tiên nữ giới nhé, bởi họ chính là thế giới sinh động, gần gũi và ảnh hưởng đến bạn rõ rệt nhất!

Các khu thiết kế trong nông nghiệp vườn rừng bền vững cần lưu ý

Các khu thiết kế trong nông nghiệp vườn rừng bền vững
Các khu thiết kế trong nông nghiệp vườn rừng bền vững

Khu vực số 0

Chính là căn nhà của bạn, nơi quan trọng nhất, trái tim của khu vườn. Mọi hoạt động ở đây được diễn ra với tần suất cao nhất. Khi đến một khu đất trống, việc khu đất nào để làm nhà cũng đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Nhà ở phải dựng nơi đất cao, có khả năng thoát nước và không bị ngập lụt. Nó phải phù hợp với hướng gió để không bị lạnh quá vào mùa mưa và đón gió mát vào mùa hè. Chưa hết, nhà ở phải ở gần nguồn nước sạch, xung quanh nhà phải không được quá rậm rạp,… Còn rất rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc chọn đất xây nhà, thậm chí người phương Đông chúng ta còn có một bộ môn riêng cho việc này đó chính là phong thuỷ.

Khu vực số 0 này cũng bao gồm các hoạt động liên quan đến ẩm thực, nấu nướng, việc nuôi cấy men, ủ tương, làm nước mắm… Một số hạng mục khác đôi khi cũng được cân nhắc đưa vào khu vực này như hệ thống thu gom nước mưa, hệ thống năng lượng điện mặt trời, hoặc nhà ươm cây vì những thứ này cần bảo trì đều đặn.

Khu vực số 1

Khu vực xung quanh ngôi nhà, có 2 đặc điểm chính là sự lưu ý và tương tác thường xuyên. Việc di chuyển qua lại giữa khu vực này và vùng số 0 phải được đảm bảo thuận tiện nhất như sơ chế nông sản, các kệ cất giữ đồ đạc, nhà kho, nấu ăn, tập luyện thể thao, cây trồng trong chậu, bàn ươm giống, khu phơi đồ,… Tất cả bề mặt của khu vực này đều nên được che phủ bằng sỏi, đá hoặc các vật liệu xây dựng khác để tạo sự thuận tiện khi đi lại và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Khu vực số 2

Các hạng mục phù hợp ở khu vực này bao gồm nhà kho, nhà ươm, vườn rau cho nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi, thùng ủ compost, thùng nuôi ong, ao cá,… Những điều bạn muốn học hỏi và thử nghiệm, chúng cần được quan tâm đặc biệt. Ban đầu, bạn đặt chúng ở vùng 1, khi đã vào guồng ổn định, rõ quy trình hãy dịch chuyển nó vào khu vực 2. Vùng này được xem như khu trung gian các hoạt động giữa con người và tự nhiên.

Tìm hiểu thêm: Bàn Về Hệ Thống Hàng Rào Sinh Thái (Living Fences) Trong Thiết Kế Vườn Rừng

Một ví dụ khác về Permaculture
Một ví dụ khác về Permaculture

Khu vực số 3

Khu vực số 3 được biết đến như là khu trang trại, nơi trồng cây ăn quả, cây gỗ lâu năm, khu trồng cây hoa màu cần ít sự chăm sóc, khu chăn thả gia súc, ruộng lúa, nơi trữ nước, chắn gió,… Khu vực này cần sự lui tới, ngó nghiêng giám sát ít hơn so với khu vực 2. Thông thường, bạn sẽ thăm khu vực 3 vài lần 1 tuần, nếu có hoạt động nào ở đây cần sự chú ý nhiều hơn, bạn nên đưa nó về khu vực 2. Việc thu hoạch ở khu vực 3 cũng diễn ra không thường xuyên, nông sản được thu hoạch theo mùa hoặc theo tuần, không phải là việc hằng ngày.

Khu vực số 4

Khu vực bán hoang dã, bạn không đầu tư cơ sở hạng tầng hoặc bỏ công sức nhiều ở khu này. Nơi đây trữ nhiều nước hơn như ao hồ, đầm lầy, khu vực phục hồi cây bản địa, môi trường sống cho côn trùng và động vật bản địa. Bạn cũng có thể dự bị nguồn thức ăn ở khu vực này như hái các loài rau mọc dại, câu cá, đặt bẫy,… Khu vực số 4 thường chỉ được ghé thăm vài lần trong năm.

Khu vực số 5

Đây là vùng ngoài cùng trong thiết kế bền vững của một khu vườn đa dạng sinh học đa tầng táng, khu vực 5 không nằm trong ranh giới của bạn, thậm chí nó là vùng không nên tiếp cận. Nó được coi là khu vực tự nhiên hoàn toàn, không được quản lý, bảo vệ và là nơi sống của các loài động vật tự nhiên, rừng nguyên sinh, khu bảo tồn hoang dã.

Trên đây là 6 khu vực được phân chia trong thiết kế theo permaculture, cần phải hiểu một điều rằng không có bản thiết kế hoàn hảo, chỉ có thiết kế phù hợp. Nguyên tắc là không có nguyên tắc và chỉ bạn, chủ của khu vườn là người hiểu rõ nhu cầu bản thân cũng như cách khu vườn vận hành. Người chủ vườn chính là chuyên gia phù hợp nhất, người rẽ sóng tìm cách mang lại hiệu quả sản xuất và sinh tồn ở vườn một cách bền vững thu – chi tài chính cuộc sống gia đình bạn.

Phân chia khu vực trong nông nghiệp bền vững đòi hỏi nhiều quan sát, điều chỉnh. Thậm chí, bạn có thể mất vài năm để quyết định xem một hoạt động nên được đưa vào khu vực nào là phù hợp.

Việc tìm hiểu, áp dụng, thử nghiệm các nguyên tắc thiết kế ngay từ đầu không những tận dụng được nguồn lực mà còn tránh thất thoát, lãng phí. Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm tổng quan lẫn chi tiết thực tế trong cách mình thực hành về permaculture. Chúc bạn, người yêu nông nghiệp bền vững sẽ từng bước thành công nhé. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các nội dung tương tự tại chuyên mục Nông Nghiệp Tự Nhiên của Noom

Tác giả: Lê Mai Viện

Nguồn tham khảo:
https://sivanandayogafarm.org/blog/permaculture/
https://couchtohomestead.com/permaculture-101/
https://www.permaculturenews.org/what-is-permaculture/
5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tìm Kiếm
Sản Phẩm
HDSD
Chat Icon
Chat Icon