Năm 2019, cả nước có sản lượng lạc (đậu phộng) đạt 438,8 nghìn tấn (Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Ở tỉnh Quảng Nam, riêng vụ Đông Xuân có diện tích sản xuất lạc hơn 7.700ha. Những con số này thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa cây lạc với sinh kế của bà con nông dân và đồng thời là nguy cơ thoái hóa đất canh tác hoa màu và hệ sinh thái đi kèm nếu chỉ tập trung khai thác.
Để tạo ra nông sản truyền thống chất lượng cao nhất đi đôi việc cải tạo đất và hệ sinh thái tự nhiên, góp phần duy trì sinh kế bền vững cho bà con, noom đã tiên phong triển khai quy trình trồng lạc hữu cơ sinh thái đầu tiên tại quê nhà Quảng Nam từ năm 2017, cụ thể tại thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc.
Sau quá trình thực nghiệm, đạt kết quả ngoài mong đợi và được bà con, chính quyền tin tưởng đồng hành đến tận bây giờ, noom mong rằng mô hình trồng lạc hữu cơ sinh thái được lan tỏa mạnh mẽ hơn, trước mắt là toàn tỉnh Quảng Nam. Nếu bạn có mối quan tâm về thực phẩm sạch và nông nghiệp bền vững, hy vọng quy trình này sẽ giúp ích.
Quy trình trồng lạc sinh thái hữu cơ
Nhắc đến hữu cơ, nhiều người cứ than khó, ngại cực, tốn kém, năng suất không đạt. Mối lo ngại về cỏ và sâu bệnh khiến không ít người dùng phương pháp hóa học là điều dễ hiểu, tuy nhiên đó không phải là cách bền vững, đảm bảo được sinh kế dài lâu cho bà con nông dân, đặc biệt trước tình hình biến đổi khí hậu dị thường như hiện nay.
Trên thực tế, với quy trình trồng lạc hữu cơ sinh thái mà noom và bà con đang áp dụng trên diện tích 14ha dưới đây, hoàn toàn không không phun xịt, thậm chí phân hữu cơ cũng không, nông dân đều phấn khởi canh tác.
CHUẨN BỊ | – Giống: 8-10kg đậu hạt hoặc 12-15kg đậu vỏ (cho 1 sào 500m2) – Phân: bánh dầu, phân bò hoai, tro, vôi – Máy móc thiết bị: máy cắt cỏ, máy xới đất, máy gieo hạt, dụng cụ đẩy vun gốc… |
LÀM ĐẤT | – Cắt cỏ 2 đợt trước khi xuống giống (trước gieo 1-1.5 tháng và trước gieo 3 ngày) – Xới đất – Rải phân bón lót: vôi (25kg/500m2), bánh dầu (5kg/500m2), phân bò hoai (50kg/500m2), tro (2bao/500m2)Lưu ý: Cần quan sát điều kiện thời tiết để sắp xếp trước khi cắt cỏ. – Đợt 1: Cắt cỏ lúc thời tiết ẩm ướt hoặc trước một hôm trời mưa. – Đợt 2: Cắt vào thời tiết nắng ráo không nên cắt cỏ lúc trời mưa hoặc sẽ mưa trong vòng vài ngày sau cắt. |
GIEO HẠT | – Gieo bằng máy gieo hạt, khoảng cách 25cm-12cm, số lượng 1-2 hạt/lỗ (quan sát khoảng 10-12 ngày, nếu hạt không nảy mầm phải tỉa lại) – Gieo xen bắp vào luống đậu mật độ 4 hàng đậu/1 hàng bắp, mật độ hàng bắp 10-50cm, số lượng 1-2 hạt/lỗ, gieo hàng bắp nằm ngay cạnh hoặc trùng hàng đậu, sau đó tỉa thưa bắp. Sau khi bắp lên cây con, tránh gieo hàng bắp nằm trúng rãnh của 2 hàng đậu để khó đẩy cỏ sau này.Lưu ý: Cần quan sát điều kiện thời tiết để sắp xếp trước khi gieo đậu. – Không nên: gieo trong thời tiết dự báo sắp mưa quá nhiều hoặc mưa kết hợp với không khí lạnh mạnh. – Nên: gieo đậu sau khi trời ngớt mưa, kiểm tra độ ẩm đất, dễ xới đất không bị dính đối với thịt pha sét, trời tạnh ráo càng tốt. |
CHĂM SÓC | – Sau xuống giống, tiến hành đi bẫy chuột nếu có dấu hiệu bị chuột cắn. – Sau 7-10 ngày sau gieo, kiểm tra độ nảy mầm của đậu và dặm lại chỗ không mọc. – Làm cỏ đợt 1, kiểm tra khi cỏ mọc lên cao được tầm khoảng 5-10cm thì tiến hành đẩy cỏ, nên đẩy cỏ lúc trời tạnh, nắng ráo 2-3 hôm sau đó. Tỉa thưa bớt bắp được xen vào nếu mật độ vượt quá. Việc làm cỏ (cuốc cỏ) sớm khi đậu vừa có 2 lá mầm sẽ hạn chế được cỏ rất nhiều và đỡ tốn công lao động. – Rải bánh dầu xong tiến hành đẩy cỏ, nhổ cỏ đợt cuối. – Kiểm tra chuột trước khi đậu bắt đầu chắc hạt cho đến khi thu hoạch. – Tưới nước: thường sẽ tưới nước vào 2 đợt ra hoa (gương) chủ động điều chỉnh theo độ ẩm của đất. |
THU HOẠCH | – Khi thấy dây đậu bắt đầu rụi lá, tránh thu hoạch vào thời tiết mưa hoặc xem dự báo thời tiết để thu hoạch đậu trước những đợt mưa để đậu tránh bị nảy mầm. |
NĂNG SUẤT | Trung bình 100kg/500m2 |
Cùng một số điều chỉnh về thời gian và quán triệt tinh thần canh tác lạc sạch, không dùng bất kỳ phương pháp hóa học nào, quy trình trồng lạc sinh thái hữu cơ vẫn quen thuộc và rất dễ áp dụng gần giống với quy trình thông thường.
- Cày – bừa
- Kiểm tra độ ph của đất và rải vôi hoặc không rải cho phù hợp
- Kiểm tra độ tơi xốp, vi sinh vật trong đất để có thể gia thêm bột đá nung ( lân nung chảy)
- Xẻ rảnh
- Gieo
- Khi đậu hai lá mầm, bà con phải chọn thời điểm thích hợp để cuốc cỏ đậu
- Khi đậu gần trổ gương thì cuốc cỏ lần 2
Riêng ruộng lạc mè Xuân Nam, noom nương theo lối canh tác quen thuộc của bà con là trồng thâm canh một loại hoa màu theo mùa và điều chỉnh mỗi năm một ít.
Cách ứng phó cỏ dại hại cây
Nguyên lý rất đơn giản, khi cây lạc đủ khỏe, lá lạc phủ che bóng khiến cỏ yếu đi và hạn chế tối đa cỏ dại. Như vậy, trước lúc lạc vừa có hai lá mầm, bà con phải chọn thời điểm thích hợp để cuốc cỏ, đẩy cỏ như cách ngày xưa ông bà mình làm, đặc biệt là lúc cỏ dại cao 5-10cm.
Sau khi đậu phủ bóng thì cỏ không mọc được nhiều nữa. Điều này cần kết hợp quan sát tỉ mỉ suốt quá trình canh tác. Theo đó, nhiều năm qua, bà con đã tiết kiệm đáng kể công làm cỏ, hiệu quả sinh kế cải thiện rõ rệt. “Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn” quả không sai.
Sự xuất hiện cỏ dại ở mật độ vừa phải còn tạo lợi ích lâu dài cho đất và hệ sinh thái nơi này. Ví như thân cỏ xuyến chi chính là nguồn sinh khối hữu cơ rất giàu dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, nó còn thu hút thiên địch về vườn giúp đa dạng sinh thái, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn rửa trôi và cả nắng hạn vào mùa hè cho các vườn trồng.
Farm noom xem cỏ là bạn cùng chung sống. Giả sử cỏ dại làm giảm năng suất, lấy mất của cây vài hạt đậu, không có gì phải lo lắng cả. Chính vì vậy mà cây sẽ hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn, chất lượng hạt đậu cao hơn. Qua đó, năng suất thực tế sẽ vừa đúng và đủ theo năng lực thực tại của vườn trồng mà không phải bón thúc ép cho cây, lại đỡ tốn công và tài nguyên. Đồng thời, bà con sẽ trồng các loại cây khác để cân bằng, vườn càng phát triển bền vững như thế, năng suất sẽ ngày càng cải thiện về sau.
Với tinh thần fair-share, việc để cỏ rất có lợi cho mọi con vật ở dưới đất, trên bầu trời, chúng có thức ăn là cỏ rồi thì cũng chừa lạc cho mình nhâm nhi.
Thay vì chỉ chăm chăm vào năng suất như tư duy thông thường, vựa lạc hữu cơ sinh thái này còn chứa đựng nhiều giá trị đáng trân quý. Đặc biệt là đất từng bạc màu thâm niên nay lại màu mỡ tự nhiên, hệ sinh thái cải thiện đồng thời trả về cho bà con những hạt đậu sạch đúng nghĩa, giàu năng lượng từ đất trời lẫn niềm hạnh phúc từ “kẻ trồng cây” đã gửi gắm vào đó.
Khi hiểu giá trị về tái tạo hệ sinh thái mà chúng ta đang cùng nhau, bạn sẽ cảm nhận phần nào niềm hạnh phúc của tụi mình cùng bà con trồng lạc hữu cơ sinh thái suốt thời gian qua. Hãy cùng nhau chia sẻ những kiến thức bổ ích vì sự lan rộng nông nghiệp bền vững nhé. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hãy để lại bình luận, tụi mình sẽ phản hồi nhanh chóng!
Nguồn tham khảo:
https://www.mpi.gov.vn/