Khi nói đến cây cải tạo đất tiên phong trong canh tác nông nghiệp ở xứ nhiệt đới, nhất là vùng Đông Nam Á, thì chúng ta phải nhắc tới cây chuối. . Khi ghé thăm các trang trại canh tác tự nhiên, hữu cơ, vườn rừng, thoạt nhìn, bạn chỉ thấy chuối, chuối và chuối. Lý do rất đơn giản cây chuối được mệnh danh là loài cây tiên phong số 1 trong nhóm các loại cây cải tạo đất trong canh tác tự nhiên bền vững. Hiện tại, theo những gì Noom tìm hiểu, không có gì vượt qua được vị trí số một của loài cây tiên phong của cây chuối trong canh tác vườn rừng bền vững
Lựa Chọn Hàng Đầu Trong Nhóm Cây Cải Tạo Đất
Chuối là loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm, đặc biệt phổ biến rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á. Đối với các farm canh tác vườn rừng nhiệt đới, chúng tôi đặc biệt khuyến khích chọn chuối làm cây trồng chủ lực trong hệ thống cây tiên phong trong việc cải tạo đất trồng trọt ở những trang trại mới bắt đầu.
Cây chuối vẫn sinh trưởng rất tốt và cực dễ trồng dù đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng. Trong khi tất cả các cây khác có thể chết, chuối vẫn sống tốt.
Có những lợi ích không thể nhìn thấy bằng mắt thường, cây chuối có sinh khối lớn, giúp cải tạo đất, giữ nước, tạo bóng mát cho các cây con, cây ăn trái. Bộ rễ cây chuối ăn lan giúp giữ ẩm cho đất, tạo khoáng kali tự nhiên, hình thành một ổ dinh dưỡng khổng lồ cho cây ăn trái sau này. Với chừng này ưu điểm cho chúng ta thấy sự cải tạo đất nhanh chóng của việc trồng chuối đầu tiên.
Cây chuối dường như chẳng cần chăm bón nhọc công. “Trời sinh voi, sinh cỏ” là vậy, loài cây này vẫn trả ơn người nông dân theo nhiều cách khác nhau.
Đồng thời, ông bà ta thật tài tình khi khám phá ra vô số công dụng từ cây chuối, mãi đến ngày nay vẫn được áp dụng rộng rãi.
Cây cải tạo đất kiêm cải tạo bữa ăn nhà nông
Không chỉ cải tạo đất, cây chuối từ khi trổ búp, thành buồng đến những nải tròn múp, chuối là nguồn thu nhập ngắn ngày đối với nông dân canh tác vườn rừng. Thậm chí, chuối là nguồn lương thực vô cùng phong phú cho bữa ăn của người nông dân vườn rừng.
Từ trẻ nhỏ đến người già, từ bác nông dân hay đội nắng ra vườn đến các cô là hậu phương trong căn bếp, chuối dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của những bữa ăn ngẫu hứng hay mâm cơm đạm bạc, ngay vườn nhà mà vẫn giàu dinh dưỡng:
– Chuối già: xào cùng lá lốt với dầu lạc, vị đặc trưng khó cưỡng.
– Chuối chín tới: bọn trẻ con hí hửng bẻ trái chuối ra khỏi nải, ngó nghiêng ngó dọc để tước vỏ rồi ngấu nghiến ngon lành.
– Chuối chín nhiều: phơi khô, vị đậm, bảo quản được lâu, mang đi đâu cũng tiện lót dạ.
– Thân chuối non: thái mỏng, trộn với thịt gà, rau răm, muối tiêu chanh, nghe thôi là cả nhà đã thèm “rươm rướm”.
– Lá chuối: gói đủ các loại bánh, gói nông sản thay thế các vật liệu công nghiệp như bao ni lông, dây thun…
Chưa hết, lúc chuối về già, thu buồng xong, thân chuối còn dùng để tấp tủ, ủ phân hay băm làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Cây cải tạo đất kiêm chăm sóc sức khỏe
Từ xa xưa, cây chuối đã gắn liền với nhà nông, nghề nông lại là nghề truyền thống của nước ta. Vì vậy, chuối trở nên thân thuộc, dễ tìm, bình dân, thậm chí trông có vẻ tầm thường. Có lẽ vì thế mà chúng ta vô tình “xem nhẹ” giá trị dinh dưỡng của chuối đối với sức khỏe.
Loài cây này được mệnh danh là siêu thực phẩm cung cấp lượng dinh dưỡng quý báu cho cơ thể. Giá trị dinh dưỡng trong một quả chuối chín gồm calo (89 kcal), chất đạm (1,1 gram), carb tốt (22,8 gram), đường toàn phần (12,2 gram), chất xơ (2,6 gram), chất béo (0,3 gram)…
Thêm vào đó, chuối còn giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là kali, vitamin B6 và vitamin C. Lượng vitamin B6 trong một quả chuối có thể bổ sung 33% lượng vitamin B mỗi ngày của một người trường thành, rất tốt cho trí não.
Thật thiếu sót nếu không kể đến các hợp chất trong quả chuối. Đầu tiên, dopamine hoạt động như chất chống oxy hóa giúp làm đẹp da, tăng tuổi thọ và duy trì nét trẻ trung. Tiếp đến, catechin và flavonoid cũng thuộc nhóm chất chống oxy hóa, được tìm thấy trong quả chuối giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Một lợi ích dễ nhận biết nhất, chuối cực tốt cho nhu động ruột. Có những lúc, cuộc sống bế tắc ngay đoạn đường ruột, bạn cũng dễ trì truệ và bồn chồn theo. Hãy thử vài quả chuối, bao lo lắng, tắc nghẽn sẽ được giải quyết không lâu sau đó. Đặc biệt là chuối được canh tác vườn rừng.
Cây cải tạo đất sẽ gây độc hại khi trồng công nghiệp hàng loạt
Nhắc đến công nghiệp tiêu dùng, chuối vườn rừng luôn là một ẩn số bởi ngay từ lối canh tác, đã không theo hướng công nghiệp. Sẵn đang có “hứng” về chuối, cho Noom tâm sự dài dài với bạn chút nhé!
Là một nông dân trẻ, tôi mê các giai điệu blue jazz. Trong lúc đắm chìm vào giọng ca của thần tượng Billy Jones, tôi vô tình nghe lại bài hát “Yes, we have no bananas“. Bài này lấy cảm hứng từ đại dịch diệt chuối Tropical Race 4 (gọi tắt là TR4) xuất hiện vào thập niên 1990 tại Châu Á và lan rộng ra Châu Phi rồi đến Nam Mỹ.
Từ xưa đến nay, ít ai nghĩ giống cây chuối phố biến, dễ thích nghi này lại mắc những bệnh nghiêm trọng. Trên thực tế, tại nhiều nông trường chuối, các căn bệnh như sùng đục, bù lạch… đang hoành hành. Nông dân có thể phải phun thuốc nấm từ 40-80 lần trong suốt quá trình sinh trưởng của chuối.
Thậm chí, một khi chuối đã dính bệnh thì rất khó chữa. Ví dụ như bệnh Black Sigatoka, bệnh héo rũ Xanthomonas (BXW), bệnh vàng lá giòn (BBTD), bệnh Panama hay đại dịch diệt chuối TR4. Với sức ảnh hưởng sâu sắc trên diện rộng bởi dịch bệnh, chuối trở nên khan hiếm và thần tượng của tôi cũng ngân vang câu hát rằng “yes, we have no bananas”.
Để khắc phục đại dịch, những người nông dân không thể làm gì hơn ngoài việc chờ một giống chuối mới từ các nhà khoa học. May thay, họ đã lai tạo thành công một loại chuối mới. Giống chuối này được lấy tên của người trồng ra nó là Đệ Thất Công tước Xứ Devonshire, William Cavendish, chuối Cavendish.
Nhờ đó, ngành công nghiệp chuối được phục hồi tại các siêu thị tới tận ngày nay. Chuối Cavendish được kế thừa những ưu điểm từ giống Big Mike trước đó (nếu là Mike, tôi sẽ không thích loại Big Mike, bạn có thể thấy loại chuối này với tên gọi Musa AAA ở các siêu thị Việt Nam). Chúng có thể hái khi còn xanh và chín dần trong lúc vận chuyển, vỏ dày màu xanh chống trầy xước, khi chín chuyển sang màu vàng, chắc thịt và rất nịnh mắt người tiêu dùng.
Thập niên gần đây, đại dịch Tropical Race 4 (một nhánh di truyền của bệnh Panama) bùng phát và lan rộng từ Châu Á đến Úc, Trung Đông, Châu Phi và gần đây nhất là Châu Mỹ Latinh. Ước tính 80% sản lượng chuối toàn cầu đang bị đe dọa bởi TR4.
Nền công nghiệp chuối đã thờ ơ với dự đoán về các bệnh dịch cây chuối từ các nhà khoa học. Các nông trại đã quá tập trung canh tác công nghiệp và khai thác hàng loạt vào một giống chuối duy nhất mà thiếu sự đa dạng giống. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh toàn cầu ở cây chuối.
Tôi luôn giữ một niềm tin và đang trên quá trình xây dựng sự đa dạng sinh thái, đa dạng loài cây, loại cây, đa dạng tầng tán (bộ rễ) cây trồng. Điều này cực kỳ có lợi đối với cả người trồng, người tiêu dùng và môi trường.
Theo cách này, cho dù là chuối, táo, chanh hay bất kỳ cây, con, vi khuẩn, nấm, thậm chí là sâu bọ cũng sẽ được cân bằng. Sự đa dạng cây trồng, tôn trọng hệ sinh thái đa dạng, chấp nhận mọi ưu nhược điểm của vạn vật sẽ là khắc tinh của bệnh dịch do canh tác công nghiệp. Việt Nam có biết bao nhiêu giống chuối truyền thống và chúng ta may mắn có nhiều lựa chọn thông minh hơn là giống chuối ngoại ở siêu thị.
Điều này trùng hợp với phát ngôn của Dan Bebber, phó giáo sư về sinh thái tại Đại học Exeter. Ông đã dành 3 năm vừa qua nghiên cứu về thách thức với chuỗi cung ứng chuối, trong một dự án tên BananEx do chính phủ Anh Quốc tài trợ. Ông cho biết, cách tốt nhất giúp ngành chuối thoát khỏi bệnh TR4 là thay đổi sang cách canh tác đa dạng chuối.
Sự đa dạng sinh thái không hề khó, đặc biệt là khi bắt đầu với cây chuối. Quy trình trồng chuối theo phương pháp canh tác vườn rừng rất đơn giản. Bạn chỉ cần đào một cái lỗ, thả một củ chuối xuống, lấp đất lại. Công đoạn chăm sóc chỉ đơn giản là chặt phát và tấp tủ (chop & drop) cho vườn chuối bằng những vật liệu tấp tủ ngắn ngày có sẵn trong nông trại như: cỏ khô, cây dại, bụi rậm, thân bắp, vỏ đậu, nhánh cây khác, lá khô…
Đặc biệt, lối canh tác này hoàn toàn không bón phân, phun xịt, tưới tắm bất kỳ chế phẩm sinh học nào. Trong hệ thống canh tác vườn rừng, việc tấp tủ được áp dụng chung cho cả hệ thống các loài, loại cây không chỉ riêng cây chuối.
Thời gian của sinh trưởng của cây cải tạo đất
Có thể nói, “cây chuối là đầu câu chuyện” và sau 2-4 năm, các hệ cây ăn trái lớn lên, cây chuối sẽ giảm dần số lượng và sản lượng đi rất nhiều. Sau thu hoạch, chúng chết đi, tạo ra một ổ dinh dưỡng lớn cho hệ cây ăn trái và các loại cây xung quanh. Đến đây, nó đã hoàn thành vai trò quan trọng trong quá trình cải tạo, xây dựng nền tảng nhằm phát triển hệ thống canh tác vườn rừng bền vững.
Thưởng thức thành quả của cây cải tạo đất
Ở Noom, chuối gì cũng có, nào là chuối tây, chuối ta, chuối ngắn, chuối dài, chuối hờn, chuối dỗi… Nếu được canh tác vườn rừng, chuối gì cũng ngon, ngập tràn dinh dưỡng, hội tụ bao tinh túy đất trời, chuẩn vị không loại nào sánh bằng.
Hoang dại sẽ mang lại cho bạn nhiều khoái cảm! Nếu muốn thưởng thức chuối đúng điệu, hãy một lần thử chuối vườn rừng ở Noom nhé!
Chúc bạn ăn chuối vui vẻ và gợi nhớ đến những hồi ức đẹp về cây chuối!
Nguồn tham khảo:
https://www.agriculture.gov.au/pests-diseases-weeds/plant/panama-disease-tropical-race-4
http://www.fao.org/agriculture/crops/news-events-bulletins/detail/en/item/224433/icode/1/?no_cache=1
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-53395673
https://www.abc.net.au/news/2015-12-11/robson-sign-quarantine/6978940?nw=0