Phần I: Vai trò của vịt vườn rừng
Trong việc chăn nuôi ở vườn rừng dễ nhận biết nhất là chăn nuôi vịt gà heo bò trâu ngỗng… đa dạng hệ động-thực vật.
Sau lợi ích của các loài cây như sunhemp, lục bình, chuối thì noom sẽ bàn tới những lợi ích của việc đa dạng các loại gia súc gia cầm tại trang trại mô hình vườn rừng, điển hình trong chương này là chức năng của việc chăn nuôi con vịt.
Máy cày tự nhiên
Khác rất xa với các mô hình chăn nuôi khác, thì chăn nuôi vịt vườn rừng ngoài thu hoạch lấy thịt, lấy trứng thì 10 ngày trước khi bắt đầu cấy lúa cho vụ mới, vịt sẽ được thả xuống đồng để tự do kiếm ăn. Trong lúc đi lại và lùng sục thức ăn trong đất, chân và mỏ giúp xới nước và đất, như chiếc máy cày, đưa các chất dinh dưỡng mới lên bề mặt. Dĩ nhiên, việc cày xới đất của vịt không thể thay thế hoàn toàn việc cày bừa bằng máy chuyên nghiệp, nhưng chúng giúp chôn lấp và kiểm soát cỏ dại trước khi cấy cực hiệu quả.
“Phân bón NPK” tự nhiên
Mọi người thử đoán xem, vườn rừng làm sao để có loại phân tốt tự nhiên, giá không đồng nhưng vừa chất lượng, vừa đáp ứng được yếu tố ” mặt trời”. Có thể bạn chưa biết mỗi con vịt vườn rừng sẽ tạo ra 50 gram phân/ngày. Nghe thì có vẻ quá ít nhưng nếu số lượng vịt nuôi càng nhiều, lượng phân nhận được mỗi ngày tăng đáng kể.
Trong điều kiện được nuôi dưỡng tốt, hầu hết phân gia cầm, gia súc đều là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho đất và cây trồng. Phân vịt về cơ bản giống như phân NPK 2,8: 2,3: 1,7. Hiếm có loại phân gia súc nào có tỷ lệ NPK cao như vậy. Gần nhất là gà tây nhưng tỷ lệ này cũng chỉ ở mức NPK 2,8:2,4:1,2. Lúc này, khi được nuôi thả tự do ở các cánh đồng trước khi cấy, vịt sẽ ăn và thải lại phân tự nhiên cho đồng ruộng. Phân vịt lỏng nên nhanh tan vào đất, tạo ra các chất dinh dưỡng cho đất và cây lúa ở vụ mới.
Kiểm soát ốc bươu vàng
Vườn rừng có vịt thì tất nhiên phải có lúa. Lúc cấy, chúng tôi chùa khoảng trống giữa các hàng khá rộng. Khi lúa lớn, ruộng có nhiều ốc bươu vàng, chúng tôi thả vịt ra tự do kiếm ốc bươu vàng để ăn, kiểm soát tối đa việc sinh sản của chúng và hạn chế hệ lụy cho mùa vụ. Cách này tiết kiệm thời gian bắt ốc thủ công, nói không với các sản phẩm thuốc trừ sâu hay thuốc BVTV. Làm vườn rừng, thấy con nào cũng là bạn nhà nông, thân thiết vô cùng. Nuôi vịt là 1 điều mà chúng tôi khuyên các bạn làm vườn rừng nên lựa chọn.
Tương hỗ cùng hệ thủy sinh
Ở nông trại vườn rừng, vịt thường được nuôi thả ở hệ thống bẫy nước , các kênh mương lớn, mương nhỏ để tự do bơi lội, tìm kiếm nguồn thức ăn. Lục bình ở mương là món khoái khẩu của vịt, việc xử lí bớt lục bình là cách giữ cho mật độ của loài cây này ở mức cân bằng, không phát triển quá mức. Khi đó các vi sinh vật trong nước sẽ nhận được ánh nắng tốt hơn, phát triển mạnh, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho cá. Thêm nữa, khi bơi chân vịt quạt liên tục, làm cho oxi được đưa xuống nước nhiều hơn, tạo điều kiện tốt để cá hô hấp.
Ngoài kiến thức khoa học, noom luôn kết hợp quan sát cách tự nhiên vận hành.
Nuôi vịt với nhiều mục đích, trước là đa dạng nguồn thu từ trứng, chủ động nguồn thức ăn tự cung tự cấp, sâu xa hơn vẫn là cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Chính vì những lợi ích to lớn mà vịt đem lại cho mô hình vườn rừng, tăng thu hoạch, giảm chi phí nên chúng tôi cũng khuyên các nông dân nên chọn các loại vịt thuần chủng có sức đề kháng tự nhiên tốt với môi trường chăn thả tự do.
Trứng vịt vườn rừng được nuôi thả tự do chắc chắn thơm ngon và bổ dưỡng hơn nhiều các giống vịt bị ép đẻ theo KPI hay dùng nguồn thức ăn công nghiệp.